4 trở ngại khi tự học ngoại ngữ

Không chỉ riêng tiếng Anh, với bất kỳ ngôn ngữ nào, chúng ta ắt hẳn đã một hai lần thấm thía những gian nan khi cố gắng kiên trì theo đuổi con đường tự học. Trong bài viết này, hãy cùng xem những thách thức đó là gì và chúng ta có thể vượt qua nó ra sao nhé!

Thứ nhất: Cảm giác bị choáng ngợp

Chẳng có gì tệ hơn việc không biết đâu là điểm khởi đầu hợp lý nhất. Đây là trở ngại lớn nhất mà mỗi người chúng ta phải đối mặt ngay khi quyết định mình sẽ tự học thay vì cắp sách đến lớp.

Thông thường, trước khi nghiêm túc học một ngoại ngữ nào đó, ví dụ như tiếng Anh, đa phần chúng ta đã có những khái niệm lờ mờ về một vài cấu trúc câu quen thuộc, một  số từ ngữ hay được nhắc đến trong cuộc sống thường ngày. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Và chính vì vậy, chúng ta càng không biết nên bắt đầu từ đâu.

Rồi những câu hỏi như “Bao nhiêu sách đĩa là đủ? Mình cần phải mua thêm những đầu sách gì? Nên bắt đầu với quyển nào trước? Mỗi ngày mình nên học bao nhiêu tiếng?” không ngừng luẩn quẩn trong đầu bạn.

AMES - 4 tro ngai khi hoc tieng Anh

Để bạn bớt đi những băn khoăn và lo lắng

Hãy cứ từ từ thôi. Bạn không phải học tất cả mọi thứ trong cùng một lúc. Nếu như bạn cảm thấy bị quá tải, hãy cứ “đánh tỉa” một mảng kiến thức (cũng có thể là một kỹ năng) trước, rèn luyện thường xuyên để tự tạo cho mình một thói quen, và bắt đầu chuyển sang các phần kiến thức khác khi mà bạn đã sẵn sàng.

Nên lưu tâm rằng, học ngoại ngữ không phải là một cuộc đua.

Thứ hai: Sự cô đơn

Bạn thường dễ bị mất tinh thần khi có cảm giác chẳng ai trên thế gian này thích những điều mà bạn đang làm, ví dụ như việc học ngoại ngữ. Có thể bản thân bạn chọn học tiếng Anh vì bạn thực sự thấy hứng thú với ngôn ngữ này, nhưng nó không đồng nghĩa với việc những người xung quanh cũng vậy. Bạn không thể chia sẻ với những người “ngoại đạo” về những điều thú vị mà bạn khám phá được trong quá trình học.

Để giúp bạn không còn cảm thấy cô độc

Đừng ngại tham gia các câu lạc bộ, các buổi giao lưu bằng ngoại ngữ gần nơi ở của bạn, hoặc gia nhập các diễn đàn trực tuyến của những người học và đam mê ngọai ngữ. Bạn sẽ có cơ hội để làm quen và tám chuyện với những người bạn cùng sở thích và chí hướng với mình.

Thứ 3: Cảm giác chán và nản

Khi học cùng những người khác, bạn sẽ cùng họ phá lên cười khi gặp những từ ngữ mang ý nghĩa thô thiển, sẽ quay sang nhờ họ gỡ rối về những thời động từ rắc rối, hay cùng nhau than thở về những “ca” khó hiểu khó nhớ.

Ngữ cảnh trên sẽ không diễn ra khi bạn học một mình. Bạn không có ai bên cạnh để cùng chia sẻ, dẫn đến một bối cảnh khác: bạn sẽ thấy khó khăn, không thể tiếp tục học, cảm thấy siêu chán chường và cuối cùng bạn bỏ cuộc. Bạn sẽ nghĩ: “Nói cho cùng thì là bạn học một mình, dẫu có bỏ cuộc thì cũng có ai hay đâu, nên là chẳng sao hết!”

Bình tĩnh nào, sự thật không hẳn là tệ như vậy đâu!

AMES - 4 tro ngai khi tu hoc tieng Anh

Để giúp bạn đẩy lùi sự chán nản

Hãy thử nhìn lại phương pháp học và tài liệu học của bạn hiện giờ. Liệu phương pháp học có đã đủ hợp lý và mang lại hiệu quả như bạn muốn? Nó có giúp bạn giữ được cảm hứng học tập? Tài liệu học đã đủ dễ hiểu, nội dung bài học đã phong phú và phù hợp với với bạn chưa? Hãy luôn đặt ra câu hỏi cho chính mình để có những sự điều chỉnh hợp lý với quá trình học của bạn. Đôi khi bạn cũng có thể chủ động đảo trật tự các bài học để tạo cảm giác tươi mới, và cũng đừng ngại tự cho mình những quãng nghỉ ngơi giữa những buổi học.

Thứ 4: Một động lực và mục tiêu chưa rõ ràng

Ngoại ngữ vốn có một sức hấp dẫn vô hình khiến chúng ta “lăn xả” vào mày mò nghiền ngẫm mà không có một mục đích nào cụ thể hơn ngoài nhằm thỏa mãn trí tò mò.

Để theo đuổi việc học một thứ tiếng lâu dài, bạn cần có nhiều lý do hơn một chút, bên cạnh mong muốn khám phá một thứ lạ và mới.

Để bạn kiên trì tới cùng

AMES - 4 tro ngai khi tu hoc tieng Anh

Hãy tìm cho mình một lý do chính đáng để học ngoại ngữ. đừng ngại lùi lại một bước để nhìn nhận rõ tình thế của bạn hiện giờ, tự hỏi bản thân tại sao mình đang học thứ tiếng đó, sẽ dùng nó như thế nào sau này… từ đó xác định rõ cho mình mục tiêu học rõ ràng và một hướng đi cụ thể, và luôn giữ vững động lực đó bên mình mà quyết tâm đi tới cùng.

(Nguồn tham khảo: Lindsay Does Languages)